Hôi miệng là bệnh lý răng miệng thông thường, không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bạn khi giao tiếp trong công việc và cuộc sống. Vậy, hôi miệng nguyên nhân do đâu, cách chữa trị thế nào? Hãy cùng tìm hiểu!

Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh hôi miệng

  • Bị hôi miệng là khi hơi thở có mùi khó chịu, nhất là vào buổi sáng mới ngủ dậy, chiều tối, khi bụng đói hoặc cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
  • Hôi miệng sẽ đột ngột xuất hiện khi bạn mắc các bệnh về răng miệng như: viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu,…
  • Khi răng có nhiều mảng bám, vôi răng sẽ dần tích tụ các vi khuẩn gây mùi khó chịu khiến cho hơi thở có mùi hôi.

Đây là những triệu chứng để bạn sớm nhận biết bệnh hôi miệng. Khi xuất hiện một trong những dấu hiệu kể trên, bạn nên đi khám tại các cơ sở nha khoa để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Bị hôi miệng nguyên nhân do đâu?

  • Vấn đề răng – miệng

– Mảng thức ăn bám lại ở kẽ răng, chân răng hoặc bề mặt răng, lưỡi, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men và tiết ra các hợp chất có mùi khó chịu.

– Khi lưỡi bị viêm, các vết nứt ở lưỡi sẽ tạo ra môi trường ít oxy, hạn chế hoạt động của tuyến nước bọt. Môi trường khoang miệng ít nước bọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn phát triển.

– Các bệnh nha chu và nướu như viêm nướu, viêm nha chu, viêm quanh thân răng gây ra hôi miệng

– Bệnh nhân mắc phải hội chứng Sjogren (bệnh lý tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt), khiến lượng nước bọt trong miệng giảm, axit trong miệng tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi gây hôi miệng.

– Đặc biệt gần đây, nguyên nhân khiến miệng bị hôi do viêm lợi vì làm răng sứ sai quy cách gặp rất nhiều.

  • Hôi miệng do các bệnh lý

– Viêm họng, viêm amidan hoặc ung thư vòm họng… cũng có khả năng gây hôi miệng.

– Các bệnh lý về mũi – xoang như: viêm mũi xoang, viêm xoang do răng làm hơi thở có mùi khó chịu.

– Hôi miệng được xem là triệu chứng điển hình và thường xuyên của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

– Bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, thận… cũng có dẫn đến nguy cơ hôi miệng do sự phân huỷ mỡ trong cơ thể.

  • Hôi miệng do ăn một số thực phẩm có mùi

– Khi ăn một số loại thực phẩm có mùi như sầu riêng, các loại mắm như mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm,… hay gia vị như hành, tỏi, các loại rau có mùi cũng khiến hơi thở nặng mùi.

– Việc sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê; đồ uống có gas, hút thuốc lá, xì gà trong thời gian dài cũng khiến cho khoang miệng có mùi khó chịu.

Xem thêm >> răng toàn sứ có gây hôi miệng

Điều trị hôi miệng theo nguyên nhân

Để điều trị tận gốc bệnh hôi miệng, bạn cần xác định nguyên nhân gây hôi miệng là gì, từ đó sẽ có hướng điều trị phù hợp.

  • Nếu do vôi răng, mảng bám hay các bệnh lý nha khoa thì cần thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để lấy vôi răng, ngăn chặn sự tích tụ của vi khuẩn,điều trị các bệnh lý liên quan nha khoa gây hôi miệng như: viêm nha chu, viêm lợi do răng sứ sai kỹ thuật, răng khôn mọc lệch gây nhét thức ăn, sâu răng…

Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để hạn chế tình trạng hôi miệng.

  • Nếu do các bệnh lý toàn thân khác như bệnh lý mũi xoang, trào ngược dạ dày thì phải đến các cơ sở điều trị dứt điểm các bệnh lý này.
  • Một số cách chữa hôi miệng tạm thời như sử dụng kẹo cao su hoặc nước súc miệng, dung dịch xịt thơm miệng sau khi hút thuốc lá, ăn hành tỏi hoặc các thực phẩm có mùi.

Lời Khuyên Từ Bác Sĩ

Để tránh hôi miệng bạn cần vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng hàng ngày, có chế độ ăn uống và vệ sinh hợp lý. Nếu có biểu hiện hôi miệng kèm theo các triệu chứng đau ở các cơ quan khác, bạn cần thăm khám sớm để biết nguyên nhân và tìm cách chữa trị kịp thời, giúp lấy lại sự tự tin trong giao tiếp.

BS. Nguyễn Quốc Khánh

Bác sĩ Nha Khoa Hà Thu Thảo, PK Tôn Đức Thắng, Hà Nội.